Trở về từ cõi chết (truyện có thật P2)

...Người đàn bà đưa tay ôm hai đứa bé và khóc lớn:
- Cha các con chưa về đâu.
Ông Jules nói với tôi :
- Cháu thấy không, hai đứa bé còn nhỏ, đầu óc vô tư và nhạy cảm nên chúng nhận ra ngay được sự hiện diện của cha chúng, mặc dù mắt không nhìn thấy.

Trở về từ cõi chết (truyện có thật P2)

Ông quay ra nói với người quân nhân:

- Này anh bạn, chị nhà không thấy anh đâu nhưng anh hãy đợi một lúc nữa khi chị ngủ, khi tâm hồn của chị thoải mái, không bận bịu hay bị chi phối bởi các tư tưởng tiêu cực thì chị có thể tiếp xúc được với anh. Dĩ nhiên, khi thức dậy chị sẽ không nhớ gì hết nhưng nếu anh khéo léo khuyên bảo thì chị sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều. Anh đã hiểu và chấp nhận số phận nên anh không còn đau khổ bao nhiêu, nhưng anh có thể giúp cho chị bớt đau khổ.

Người quân nhân cung kính nghiêng mình trước ông Jules.

- Xin cám ơn Ngài. Ngài đã giúp đỡ tôi và các anh em trong binh chủng của chúng tôi rất nhiều. Thay mặt các anh em, tôi xin cảm tạ Ngài.

Ông Jules chỉ tay về phía tôi:

- Đây là thanh niên mà tôi đã nói với anh trước đây.

Người quân nhân bắt tay tôi một cách nồng nàn:

- Nhờ anh nói giùm với nhà tôi rằng: “Bông hồng dù ở đâu cũng là bông hồng và lúc nào cũng đẹp hết”. Anh cứ nói như vậy là nhà tôi hiểu. Đây là địa chỉ của nhà tôi...

Cậu Jules chờ tôi nói chuyện với người quân nhân kia xong rồi mới ra hiệu cho tôi đi theo. Lần này đã quen nên tôi lướt đi một cách nhẹ nhàng, hai chân tôi không hề đụng đất và chỉ một thoáng sau chúng tôi đã đến căn nhà khác. Trong nhà có hai người già đang ngồi than khóc dưới ngọn đèn leo lét. Họ vừa nhận được điện tín báo tin người con trai của họ đã tử trận.

Tuy nhiên, họ không biết rằng anh này cũng đang có mặt trong nhà, dĩ nhiên dưới một dạng thế khác. Anh mặc bộ quân phục dính đầy máu, cố gắng tiếp xúc với cha mẹ nhưng không được nên rất đau khổ. Anh kêu lên:

- Trời ơi, mẹ tôi không nghe thấy tôi. Mẹ tôi tưởng tôi đã chết nhưng tôi vẫn còn sống kia mà. Làm sao tôi có thể nói cho mẹ tôi hiểu được đây!

Cậu Jules vỗ vai người quân nhân, an ủi:

- Anh hãy bình tĩnh. Tôi sẽ giúp anh nhưng trước hết anh hãy nghe tôi nói đã. Anh hãy nhìn bức hình chụp khi anh vừa tốt nghiệp trường võ treo trên tường kia, khi đó anh mặc bộ quân phục mới và sạch sẽ, người không bị một vết thương nào, anh hoàn toàn khỏe mạnh, vui vẻ. Bây giờ anh hãy tưởng tượng rằng hiện nay anh cũng y hệt như thế.

Người quân nhân làm theo lời ông Jules. Lạ thay chỉ trong một thoáng giây sau anh đã mặc một bộ quân phục mới tinh. Gương mặt anh hết đau khổ, nhăn nhó mà trở nên sáng sủa, tươi tắn. Các vết thương trên thân thể anh hoàn toàn biến mất. Chính người quân nhân cũng ngạc nhiên về sự kiện này nên anh sững người một lúc rất lâu trước khi quay nhìn về phía cha mẹ. Cậu Jules nói tiếp:

- Anh hãy nghĩ đến tâm trạng của anh trong ngày tốt nghiệp đó. Anh đã hãnh diện và sung sướng biết bao, phải không? Bây giờ anh hãy hồi tưởng hoàn cảnh tốt đẹp lúc đó rồi đến bên cạnh cha mẹ anh, chia sẻ sự sung sướng đó với họ. Tình yêu thương có một sức mạnh an ủi phi thường, anh hãy làm như tôi nói.

Người quân nhân làm y hệt như lời khuyên và tôi thấy rõ một luồng hào quang từ thân thể anh lan tỏa ra, lan rộng khắp phòng, bao bọc cả hai người già đang ngồi đó. Tự nhiên bà mẹ bớt khóc và trở nên bình tĩnh hơn. Bà nói với chồng:

- Henri, tôi có cảm giác rằng con mình không đến nỗi nào, chắc nó được ơn trên phù hộ. Tôi chắc nó thế nào cũng được ơn trên phù hộ.

Ông già cũng ngưng khóc. Ông nhìn vợ một lúc rồi nhẹ nhàng:

- Có lẽ bà nói đúng. Chúng ta hãy cầu nguyện Thượng Đế. Cả hai bước đến bên thánh giá treo trên tường và quỳ xuống cầu nguyện. Người quân nhân cũng bước đến quỳ bên cha mẹ. Tự nhiên căn phòng bỗng bừng sáng lên một thứ ánh sáng chói lọi, tinh khiết khiến tôi cũng cảm thấy sung sướng, thoải mái lây.

Cậu Jules nói với tôi:

- Cháu thấy không, sự đau khổ của người chết có thể ảnh hưởng đến người sống và ngược lại, nếu người sống đau khổ, than khóc thì họ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến người chết. Điều quan trọng lúc này là phải làm sao để giúp cho họ bình tĩnh trở lại, sáng suốt, ý thức về sự việc đang diễn ra. Một phương pháp rất hữu hiệu là gợi lại cho họ những kỷ niệm đẹp nhất, những cảm giác sung sướng nhất, để giúp họ thoát khỏi tình trạng hoảng hốt kia. Chỉ khi nào họ thoải mái, an lạc và sáng suốt thì cháu mới có thể giúp đỡ họ được. Người quân nhân này là sĩ quan trường võ bị, từ nhỏ đã say mê binh nghiệp, ngày tốt nghiệp là ngày anh sung sướng nhất vì thỏa mãn được niềm mong ước. Biết cách nhắc nhở anh ta hồi tưởng lại kỷ niệm đó để anh bình tĩnh trở lại, thoát khỏi ảnh hưởng đau khổ của cái chết, giảm bớt sự giằng co, quyến luyến với gia đình thì anh mới có thể siêu thoát được.

- Nhưng siêu thoát là thế nào? Ông Jules mỉm cười:

- Con người là một thực thể phức tạp gồm có nhiều thể khác nhau chứ không phải chỉ có thể xác mà thôi. Điều này khoa học không thể giải thích rõ rệt vì đối tượng của khoa học chỉ xây dựng trên căn bản của các giác quan thuộc về thể xác, vốn hết sức giới hạn. Khi xác thân không còn sử dụng được nữa, các thể khác cần được giải phóng ra khỏi xác thân càng sớm càng tốt, đó là sự siêu thoát. Cháu nên biết rằng tâm trạng con người khi từ trần hết sức quan trọng vì nếu có sự quyến luyến thì sự giải phóng này sẽ bị trì hoãn lại rất lâu, gieo các ấn tượng đau khổ lên các thể kia và ảnh hưởng đến các kiếp sống mai sau. Đó cũng là lý do người ta cần tránh than khóc, kêu gào, kể lể trong các đám tang mà phải bình tĩnh đặt hết tâm hồn vào sự cầu nguyện cho người quá cố được siêu thoát. Cháu nên biết rằng tâm trạng con người khi từ trần hết sức kinh khủng đối với những ai tin rằng chết là mất hết tất cả. Đa số đều bám vào sự sống một cách tuyệt vọng. Có người cho rằng có một thế giới khác, một cảnh âm ty địa ngục ghê sợ đang chờ đón họ nên họ nhất định không chịu từ bỏ cõi trần. Do đó, có một sự phấn đấu mạnh mẽ giữa phần thân xác sắp tan rã và phần tâm linh cố gắng giữ nó lại. Đó cũng là lý do nhiều người cứ hấp hối mãi mà không chết được, họ ở tình trạng không sống mà cũng không chết (comatose). Sau khi chết, nhiều người cứ quanh quẩn bên cái xác thân của mình, dù thấy xác thân đó đã rữa ra, bị dòi bọ đục khoét cho đến khi xác thân hoàn toàn tan rã thì mới siêu thoát được. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm, gieo vào tâm thức người đó những ấn tượng hết sức ghê gớm, đau khổ và sự ám ảnh này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cá tính của người đó trong kiếp sau.

Sau khi cầu nguyện xong, người quân nhân bước đến cạnh cậu Jules:

- Cám ơn Ngài đã giúp cho tôi và cha mẹ tôi. Bây giờ tôi phải làm gì?

- Anh hãy đợi khi cha mẹ anh ngủ say khi các giác quan thế xác của cha mẹ anh tạm thời yên nghỉ thì anh có thể tiếp xúc được với hai ông bà ở một bình diện khác. Điều cần nhất là chính anh phải có sự thoải mái, bình an đã rồi anh mới có thể an ủi được cha mẹ anh, giúp họ bớt đau khổ.

Người quân nhân gật đầu như hiểu lời khuyên bảo:

- Xin cám ơn Ngài. Nếu cha mẹ tôi bớt đau khổ thì tôi có thể yên tâm được rồi.

- Anh cứ yên tâm. Tôi biết cha mẹ anh sẽ được thoải mái. Ông bà đã biết chấp nhận và đặt tất cả vào bàn tay Thượng Đế. Một khi đã để cho Thượng Đế hành động thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Còn về phần anh, chút nữa có một thiếu nữ tên là Marjorie sẽ đến gặp anh. Cô ta sẽ giúp đỡ và hướng dẫn anh. Anh nên nghe theo lời khuyên của cô ấy.

Cậu Jules giới thiệu tôi với quân nhân kia và nói rõ về trường hợp đặc biệt của tôi. Người quân nhân mừng rỡ siết chặt tay tôi:

- Nếu anh có thể ghé thăm cha mẹ tôi và nói với ông bà rằng: “Robbie vẫn khỏe mạnh như thường”. Tên tôi là Robert, bạn bè thường gọi là Rob nhưng cha mẹ tôi lại thích gọi tôi là Robbie, đây là một tên riêng chỉ cha mẹ tôi biết mà thôi. Đây là địa chỉ của cha mẹ tôi...

Sau khi giã từ người quân nhân đó, ông Jules và tôi tiếp tục đi nữa. Vừa ra đến đường chính, tôi nhìn thấy một xe chở lính Đức đi ngang. Tôi giật mình kêu lớn:

- Cậu ơi! Lính Đức kìa!

Cậu Jules mỉm cười:

- Phải rồi chúng ta đang ở tại nước Đức, nhưng cháu đừng lo, họ không trông thấy chúng ta đâu. Cháu quên rằng chúng ta đâu còn thể xác nữa.

Chúng tôi thấy một ông già gầy gò, quần áo nhàu nát, đầu đội nón nỉ, vẻ mặt đau khổ đang đứng trước một căn nhà. Cậu Jules nói:

- Đó là Lebowitz, một thương gia giàu có đã qua đời từ mấy năm nay nhưng không siêu thoát vì còn quyến luyến tài sản, sự nghiệp.

Ông già ngước cặp mắt lờ đờ nhìn cậu Jules rồi nói một cách buồn bã:

- Thưa ông, căn nhà này do chính tôi xây cất, chính tôi đã lựa chọn từng hòn gạch, từng khúc gỗ. Hãy nhìn cái cửa bằng gỗ sồi kia, chính tay tôi đã chọn từ bên Đan Mạch, còn chiếc cửa sổ bằng kính màu nữa, nó đã được thực hiện bởi những thợ giỏi nhất miền Florence. Căn nhà này của tôi và tôi không thể bỏ nó được.

Cậu Jules nhìn ông già bằng cặp mắt thương hại rồi nói với tôi:

- Năm trước, chính quyền Đức ra lệnh cho người Do Thái phải rời bỏ khu này để tập trung vào một khu biệt lập. Ông Lebowitz không chịu nên bị họ đánh trọng thương. Tuy mang thương tích trầm trọng nhưng ông nhất định không vào bệnh viện điều trị mà cứ bám riết căn nhà nên vài hôm sau ông bị nhóm SS giết chết. Từ đó ông cứ quanh quẩn bên căn nhà này.

Tôi bèn hỏi:

- Như vậy ông ấy sẽ ở đây đến bao giờ?

- Ông ta sẽ tiếp tục ở tình trạng này cho đến khi nào lòng quyến luyến kia tiêu tan hết. Có thể là một vài năm, chục năm hay có khi lâu hơn thế nữa. Cậu Jules nói với ông già:

- Này ông bạn, ông bạn đã chết rồi, đã rời bỏ thế giới này rồi thì còn quyến luyến căn nhà đó làm chi nữa! Hiện nay căn nhà đó đã thuộc về người khác rồi.

Ông lão khăng khăng lắc đầu:

- Không... Không... đây là nhà của tôi, sống tôi ở với nó, chết tôi cũng ở với nó. Không ai có thể buộc tôi rời bỏ nó được.

Ngay lúc đó có một nhóm người từ đâu bước tới mở cửa bước vào nhà. Ông Lebowitz xông ra cản lại nhưng không được. Ông vừa xô đẩy họ vừa quát lớn:

- Quân ăn cướp! Đồ sát nhân! Bọn ngươi hãy cút khỏi nhà của ta!

Dĩ nhiên là những người đó đâu hay biết, họ vẫn thản nhiên bước vào mặc cho ông già la hét om sòm. Cậu Jules thở dài:

- Một ngày nào đó ông ta sẽ hiểu và sẽ hối tiếc cho sự điên rồ này.

Phải chăng người chết nào cũng thế? Cậu Jules lắc đầu:

- Không hẳn như thế. Sau khi chết, người ta bước vào một giai đoạn chuyển tiếp, khi các điều kiện vật chất mà họ thường bám víu vào đang từ từ tan rã và một thế giới mới lạ bắt đầu hiện rõ dần. Thế giới đó là của ánh sáng, nhiều người gọi là “cõi sáng” cũng không sai. Đây không phải là thứ ánh sáng như ánh sáng mặt trời, mà là một thứ ánh sáng rọi khắp mọi nơi, không một cái gì có thể che khuất được nó. Một người có tâm trạng xấu xa, hèn kém sẽ không dám nhìn thứ ánh sáng này và thường tránh né nó, nhưng một người hiền lành, thánh thiện thì thoải mái hơn vì họ biết chấp nhận sự thật. Dù sao chăng nữa, khi từ giã xác thân, ai cũng thấy bầu ánh sáng này và nó soi rõ tâm thức họ, cho họ thấy rõ các diễn tiến vừa xảy ra trong cuộc đời vừa qua. Họ sẽ thấy mình thành công chỗ nào, đã học hỏi được những gì. Họ sẽ thấy lại những cảnh đổ máu do chính họ gây nên hay những đau khổ mà họ đã gây cho người khác. Họ cũng ý thức được các hành vi nhân đức, hy sinh, quả cảm của mình và rút tỉa kinh nghiệm cần học hỏi. Dần dần họ ý thức rằng các hành động trong quá khứ đã đưa đẩy họ đến hoàn cảnh trong kiếp này và hành động của họ trong kiếp này sẽ quyết định số kiếp tương lai của họ. Sau khi đã duyệt xét lại tất cả mọi hành động của mình, họ sẽ có những quyết định riêng, dù đó là quyết định gì chăng nữa, thì cũng là bước đầu quan trọng của sự tự biết mình. Chính sự tự biết mình này là khởi điểm cần thiết cho sự tiến hóa của con người. Một người hiền lành, nhân ái, biết sống thuận theo thiên ý, khi qua đời sẽ thấy một biển ánh sáng bao bọc quanh họ. Lớp ánh sáng này thâm nhập vào người họ khiến họ cảm thấy lâng lâng sung sướng dường như được gia tăng thêm sức mạnh. Thật ra, khi đó các nguyên tử nặng trước trong thể vía của họ đang tan rã nên họ thấy trẻ trung hơn, thoải mái hơn, bình an hơn và không còn sợ sệt, lo lắng nữa. Chính sự không sợ hãi lo lắng này giúp họ tiến dần vào nguồn ánh sáng, hòa hợp được với các tư tưởng thanh cao, tốt lành và đem nguồn tư tưởng an lành đó gieo rắc cho những người thân đang than khóc, đau buồn để an ủi họ.

Tuy nhiên, người chết như vậy ít khi nào lưu lại cõi trần lâu, vì một khi nhãn quan của họ đã mở rộng  đã thấy một thế giới khác tốt đẹp hơn, huy hoàng hơn, an lành thoải mái hơn thì đâu còn ai muốn trở về cái thế giới đầy phiền muộn, lo lắng ngày trước làm gì. Tùy theo sự tiến hóa và khả năng phát triển mà họ được dẫn dắt, học hỏi chân lý một cách rõ ràng. Họ sẽ không còn ngờ vực điều gì nữa, những giác quan mới của họ được thức động và một giai đoạn sống mới sẽ bắt đầu. Một người bình thường, đời sống không có gì đặc biệt, không làm điều gì quá xấu hay điều thiện đáng kể thì khi từ trần sẽ không được như thế. Mặc dù cũng nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thượng Đế, nhưng đa số lại do dự, rụt rè, không ý thức rằng họ có thể hòa nhập vào đó để tiến lên cõi trên mà cứ quanh quẩn ở trong các cảnh giới quen thuộc với họ. Một người khi còn sống không biết chăm lo phát triển về tinh thần mà chỉ lo những chuyện vẩn vơ, tầm thường, sống không có mục đích rõ rệt, thì sẽ thấy thời gian bên này trôi qua rất chậm, ngày giờ dài đăng đẳng, bởi vì những chuyện giải trí bằng vật chất xa hoa kia không thể thực hiện được nữa. Họ sẽ tìm cách quanh quẩn bên những môi trường quen thuộc nhưng rất đau khổ, vì không thể tiếp xúc với người thân hay thỏa mãn các dục vọng được nữa. Họ sống vất vưởng trong một bầu không khí ảm đạm, buồn chán, không thể siêu thoát được và luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết hay tâm trạng lúc chết. Nếu được một người nào đó giúp đỡ, hướng dẫn, họ mới có thể từ bỏ sự lưu luyến này để tiến lên cõi trên, còn không họ sẽ sống một cách bất động trong hoàn cảnh này rất lâu.

- Như vậy người ta sống tại đây lâu mau như thế nào?

- Thời gian lưu tại đây tùy theo các nguyên tử vật chất tích tụ trong thể vía của họ. Nếu các nguyên tử vật chất tiêu biểu bằng sự ham muốn, đam mê, cảm xúc và tập quán của xác thân thu hút những nguyên tử của vật chất tương ứng. Tâm thức của con người chẳng qua chỉ là những rung động của những nguyên tử và sự rung động này tương ứng với những cảnh giới khác nhau. Một người hoàn toàn sống buông thả, mặc cho dục tính lôi cuốn, không phát triển chút nào về tri thức hay tinh thần thì sẽ thu hút các nguyên tử ô trược, có sức rung động khát khao, rất khó tan rã, do đó họ sẽ phải trải qua thời gian rất lâu tại những cảnh giới ô trược, xấu xa. Trái lại, một người đã chủ trị được dục vọng, ít ham muốn thì thể vía trong sạch, thanh nhẹ, không cần phải tinh luyện gì nữa, phần ô trượt sẽ mau tan rã và họ có thể tiến bước lên những cõi giới cao hơn. Cậu Jules đặt tay lên vai tôi một cách thân ái.

- Cháu Steve, cậu đã chỉ cho cháu thấy một vài khía cạnh của đời sống bên kia cửa tử. Một số người tưởng rằng chết là hết, là sự vĩnh viễn chia lìa và bây giờ cháu thấy rõ đó là một sự sai lầm rất lớn. Chúng ta là con của Thượng Đế, được tạo ra từ Ngài nên dĩ nhiên là không bao giờ chúng ta có thể chết được. Kiếp sống của chúng ta trên thế gian này thật ra chỉ là một phần nhỏ của một đời sống lớn lao, cao cả hơn. Xuyên qua những kiếp sống, chúng ta học hỏi và tiến hóa để trở về với nguồn gốc, với Thượng Đế. Mục đích của đời người là hướng thượng và mỗi kiếp sống phải là một bước tiến trở về nguồn. Nếu con người có thể hiểu được các định luật bất biến của vũ trụ hay luật trời thì họ sẽ biết rằng chẳng có một hung thần hay ác quỷ nào tạo ra các nỗi khổ đau, mà chính là con người thiếu hiểu biết đã vi phạm các định luật này. Hiểu được luật trời, biết tuân theo luật trời, biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì con người có thể tránh được bao nhiêu đau khổ, bao nhiều phiền não.

Trong lúc ông nói, vầng hào quang bao phủ quanh ông phát ra những tia sáng chói lọi, lấp lóe như kim cương. Cậu Jules mỉm cười:

- Sắp đến lúc cháu trở lại cõi trần và Marjorie cũng muốn nói với cháu vài lời từ biệt nên cậu chỉ vắn tắt thôi. Cháu nên nhớ những điều cháu được chứng kiến và học hỏi nơi đây không phải là một giấc mộng hão huyền mà là sự thật. Điều cháu học hỏi không phải là một đặc ân nào đâu mà chính nhờ đức hạnh của cháu. Cháu và cậu đã làm việc với nhau từ lâu, từ nhiều kiếp sống trong quá khứ, hiện nay cháu không nhớ được bao nhiêu nhưng sẽ có lúc cháu biết được những điều cháu đã làm cũng như những hạnh nguyện của cháu. Ý thức được điều này, nhiệm vụ của cháu sẽ còn quan trọng hơn trước rất nhiều. Chúng ta tạm thời chia tay ở đây, trong một thời gian không lâu nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau và sẽ làm việc chung với nhau.

Cậu Jules vừa dứt lời thì tôi đã thấy Marjorie từ xa đi đến. Cô lướt đi nhẹ nhàng như một người khiêu vũ. Quanh cô có một bầu ánh sáng chói lại khiến tôi không khỏi ngây ngất. Marjorie liến thoắng:

- Anh Steve, anh hiểu điều cậu Jules nói rồi chứ?

- Đại khái anh cũng hiểu được đôi ba điều nhưng cậu Jules nói là anh sắp phải trở về. Như vậy, làm sao anh có thể gặp lại cậu Jules hay em đây?

- Anh đừng lo. Em sẽ đến gặp anh mỗi khi anh ngủ. Nếu cần anh cứ tập trung tư tưởng trước khi anh ngủ để nghĩ đến em thì em sẽ đến gặp anh ngay. Thôi, đã đến lúc anh phải trở về rồi.

Tự nhiên tôi thấy mệt mỏi một cách lạ lùng, ngực tôi đau nhói và hơi thở trở nên khó khăn khiến tôi đưa tay ôm lấy ngực. Tai tôi còn nghe văng vẳng tiếng Marjorie:

- Tạm biệt anh Steve, chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Khi tỉnh dậy, tôi biết mình đã hôn mê gần một ngày. Cô y tá trực kể rằng tưởng tôi đã chết, người ta đã đem tôi xuống nhà xác để tẩm liệm nhưng may thay tôi tỉnh dậy kêu la om sòm. Bác sĩ khám nghiệm, xác nhận tôi còn sống và cho chuyển lên phòng hồi sức. Tôi hỏi cô y tá rằng tại sao cô không có hào quang. Tưởng tôi còn mê sảng nên cô nhẹ nhàng hỏi tôi muốn nói hào quang nào. Tôi trả lời rằng tại sao cô ta không toát ra hào quang giống như Marjorie . Nghi rằng tôi muốn tìm một người tên Marjorie nên cô trả lời rằng cô là Louise Clayton và ở đây không có ai tên là Marjorie hết, phải chăng tôi muốn tìm một người tên là Marjorie. Tuy nhiên, tôi lại nói rằng Marjorie đã chết từ lâu rồi nhưng tôi đã gặp lại cô ta, quanh người cô toát ra hào quang và lúc nào cũng lướt đi như khiêu vũ vậy. Cô y tá cho rằng tôi đã nói mê nhưng tôi nhấn mạnh tôi không mê sảng chút nào cả. Tôi gặp cậu Jules và Marjorie, mặc dù cả hai đã chết từ lâu. Tôi còn thấy hạ sĩ Andrew Shaw bị trúng đạn ở trán trên chiến trường châu Âu, gặp thượng sĩ Lawrence Sorgen và trung úy Robert Stevenson, cả hai đều tử trận hôm đó. Thấy vậy người y sĩ trực ra lệnh cho cô y tá chích cho tôi một liều thuốc ngủ. Hai hôm sau, khi tôi hoàn toàn tỉnh táo thì Louise Clayton bước vào:

- Hôm trước trong lúc mê sảng anh nói rằng anh thấy Andrew Shaw, Lawrence Sorgen và Robert Stevenson bị trúng đạn và tử trận ở châu Âu.

- Đúng thế.

Louise Clayton im lặng nhìn tôi và đưa ra một bản báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng thông báo tên những quân nhân tử trận và dĩ nhiên có cả ba người này. Việc một người bị hôn mê bất tỉnh tại North Carolina biết được những sự kiện xảy ra trên chiến trường châu Âu quả là một việc kỳ lạ. Tôi bèn kể lại những diễn tiến một cách chi tiết từ khi tôi bị ngất đi cho Louise nghe. Mặc dù cô y tá này không lấy gì làm tin tưởng cho lắm nhưng cô cũng không thể giải thích vì sao tôi lại biết tên ba người quân nhân đã từ trần kia. Thật ra lúc đó trong thâm tâm tôi cũng không lấy gì làm chắc chắn, phải chăng tôi đã tưởng tượng hay mê ngủ? Không hiểu vì sao tự nhiên tôi lại nảy ra một ý nghĩ lạ lùng:

- Này cô Clayton, xin cô hãy đợi đến sáng ngày mai rồi tôi sẽ nói chuyện với cô rõ hơn về việc này. Tôi biết cô không tin và tôi cũng không chắc là tôi đã nói đúng nhưng tôi nghĩ nếu tôi không tưởng tượng ra việc này thì ngày mai chúng ta có thể nhìn nó dưới một khía cạnh khác. Ngày hôm sau tôi rủ Louise ra ngồi ở chiếc ghế bên ngoài sân bệnh viện. Tôi nói:

- Cô Louise, hôm đó khi vừa tỉnh dậy tôi có nói với cô về hào quang chi đó. Dĩ nhiên cô nghĩ rằng tôi đã nói mê sảng nhưng khi lên phòng bà y tá trưởng để phúc trình về bệnh tình của tôi, cô kể lại chuyện này cho bà đó nghe. Lúc đó vì đang xem một hồ sơ bệnh lý nên bà y tá trưởng không hề ngước mắt lên nhìn cô mà chỉ nói:

“Chắc anh đó còn mê sảng chứ làm gì có ai có hào quang”.

Sau đó cô rời phòng trở về, trên hành lang cô gặp một quân nhân ngã trẹo chân ở sân tập nên cô bước đến phụ giúp việc băng bó cho anh ta.

- Liệu tôi nói có đúng không?

Louise Clayton hoảng hốt không sao trả lời được:

- Anh Buckley, tại sao anh biết được chuyện đó? Khi ấy tôi đã chích cho anh một liều thuốc ngủ và anh đã ngủ li bì kia mà!

- Đúng thế, tôi không biết gì về chuyện đó cả, nhưng hôm qua khi chúng ta đang nói chuyện với nhau thì cô tỏ ra không tin. Phần tôi cũng thế, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này và không biết rằng tôi đã mê hay tỉnh đây. Tôi nhớ lại lời dặn của Marjorie nên đêm qua trước khi đi ngủ tôi đã tập trung khi nghĩ đến cô ấy. Tôi nghĩ rằng điều tôi đã trải nghiệm thật mơ hồ, không có bằng chứng và chắc nói ra cũng không có ai tin, không chừng người ta còn cho tôi là loạn trí. Tuy nhiên, sáng nay thì tôi chắc rằng tôi không mê nữa, tôi đã gặp lại Marjorie trong giấc ngủ và cô ấy đã dặn tôi kể lại điều này cho cô nghe.

Louise Clayton im lặng một lúc rồi nói:

- Marjorie còn nói gì nữa?

- Marjorie nói rằng được cô chăm nom săn sóc là một việc rất quý. Đây không phải là một việc ngẫu nhiên đâu mà có sự thu xếp để cô săn sóc tôi. Cô là một người có lòng từ ái, làm việc thoải mái, chân thành và có những rung động thanh cao, rất tốt cho việc phục hồi sức khỏe của các bệnh nhân. Từ nhỏ cô thích âm nhạc và muốn trở thành một nhạc sĩ dương cầm, nhưng lúc chiến tranh xảy ra, cô tình nguyện trở nên một y tá để góp phần vào việc chăm sóc, an ủi các thương bệnh binh. Marjorie nói rằng cô sẽ giúp tôi rất nhiều nếu cô tin rằng điều tôi kể không phải là do tưởng tượng. Louise Clayton giật mình. Cô suy nghĩ một lúc rồi hỏi :

- Theo như anh nói thì Marjorie có một nhiệm vụ ở cõi bên kia?

- Đúng thế. Marjorie được giao phó nhiệm vụ giúp đỡ những người vừa từ trần còn đang hoang mang, hốt hoảng. Cô ấy giúp họ bình tĩnh, thoải mái để chấp nhận sự thật là họ đã bước qua thế giới khác, rồi khuyên họ hãy xả bỏ những ràng buộc với....

Còn tiếp...

Nguồn: Trở về từ cõi sáng

 

  • Thứ sáu 27/08/2021
  • 1924
Tra cứu