Quy luật nhân quả trong cuộc sống thường ngày

Chúng ta biết rằng, một trong những quy luật tác động con người theo những chu kỳ cảm ứng tương sinh chính là quy luật Nhân - Quả. Vì tạo nhân mà phải lãnh quả, rồi từ quả này lại tiếp tục sinh ra nhân… cứ như thế mà xoay vần không dứt.

Quy luật nhân quả trong cuộc sống thường ngày

Tuy vậy, vì nghiệp lành nghiệp dữ mà chúng sanh tạo ra không ai giống ai, vì thế quả báo mỗi người chúng ta nhận được cũng không ai giống ai. Vì thế, cùng là con người, nhưng chúng ta thấy có người sinh ra đã khỏe mạnh lành lặn, người sinh ra bệnh tật ốm yếu, dị tật… Có người sinh ra đã xinh đẹp, sáng sủa, thông minh, người sinh ra tướng tá thô kệch, mặt mũi ít dễ xem, đầu óc chậm chạp... Có người sinh ra trong gia đình yên ấm, sung túc, mẹ cha thương yêu chăm bẵm, người lại sinh ra trong cảnh khốn khó bần cùng, gia đình xào xáo, nhiều người còn bị mẹ cha ghét bỏ...

Nếu không biết truy quả tầm nhân, nhìn những gì đang hiển thị ở cuộc đời này dưới dạng ‘quả lành’ hay ‘quả đắng’, chúng ta dễ đem lòng uất giận, không hiểu “Vì sao số tôi đen đủi quá, không được như người”, hoặc, “Tôi cả đời có làm hại gì ai đâu, sao mãi gặp hết chuyện này đến chuyện khác?” Sự uất giận này dẫn đến những năng lượng vô cùng tiêu cực.

Chẳng hạn, người ta thường thắc mắc, đã nói tu tập là để giải nghiệp sống lâu, vì sao người tu vẫn có người chết sớm. Trong khi những người mà (theo quan điểm nhà Phật) là phạm nghiệp sát như người hàng thịt, đáng lẽ chết sớm sao lại cứ sống lâu. Người biết giữ đạo đức thanh liêm lẽ ra phải được giàu sang, sao lại hay sống trong nghèo khổ thiếu thốn, còn phường tham lam trộm cướp, đáng lẽ theo luật nhân quả thì phải bị phạt sống nghèo thiếu khốn khổ chứ, sao vẫn cứ thấy họ ‘phây phây’, giàu có phong lưu như vậy!...

Một dạng ‘không tin’ cũng nguy hiểm nữa, là không tin việc còn phải lộn tới lộn lui trong sinh tử luân hồi như thế này là khổ, vì mọi người thấy sinh ra đời, có tấm thân này để cầu ăn ngon mặc đẹp, rồi say đắm ái tình, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái, kiếm tiền để duy trì mái gia đình... Tuy nhiên, thử nhìn sâu hơn vào những cái ‘có vẻ vui’ này, bạn có thực cảm thấy, đằng sau những cái ‘vui’ ấy, có thực sự là Vui?

Nếu sống ở cuộc đời này là thực sự vui, để phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc của tấm thân này, tất cả chúng ta đều vô cùng vất vả làm lụng cực khổ, hôm nay lo ngày mai, không biết rồi sẽ duy trì đời sống của mình thế nào. Dịch bệnh Covid tới, càng làm cho chúng ta thấm nỗi khổ lo cho cái ăn hàng ngày hơn bao giờ hết. Người thì không có tiền mà mua thức ăn, ngay cả người có tiền vẫn không thể mua được thức ăn như bình thường... Hay như yêu là vui, vậy thử hỏi, thật sự trong tình yêu, bạn vui được bao nhiêu giây phút, để rồi đại đa số thời gian còn lại, bạn dằn vặt trong đau khổ, trong hờn giận, trong ghen tuông, trong sự lo sợ được mất...? Nếu chuyện lập gia đình là thực sự vui, thử hỏi bao nhiêu lâu bạn được sống trong sự an vui của gia đình? Bởi trong đó, còn là sự lo toan cho đời sống của bao nhiêu sinh mệnh khác, là máu mủ ruột rà của ta. Còn phải lo ăn lo mặc cho cha mẹ ta, rồi chồng hay vợ ta, các con ta... Chưa kể, còn phải đau đầu giải quyết bao nhiêu mâu thuẫn phát sinh giữa các mối quan hệ không thể chối bỏ này...

Chưa kể, những sự thiếu kiểm soát để giữ sự ‘Biết đủ’ dễ dẫn đưa con người ta vào con đường lầm lạc, bệnh tật. Phục vụ quá miệt mài cho cái sự ăn uống, ắt dẫn đến bệnh cho thân. Quá lệch lạc cho những cảm xúc nuông chiều thú vui bản thân dẫn đến bệnh của tâm trí. Quá nuông chiều các nhu cầu vật chất dễ dẫn đến nợ nần, hoặc tù tội... Bao nhiêu cạm bẫy chực giăng chờ, để chỉ cần chúng ta đi quá đà, sẽ lãnh hậu quả.
Rồi ngay cả, chúng ta sống rất chừng mực, rất đạo đức, an hòa, ấm êm vui vẻ, với mọi người xung quanh, với gia đình, thì cũng không thể nào thoát khỏi cảnh ‘Ái biệt ly khổ’. Thương mấy rồi cũng có lúc chia xa. Người gần mấy cũng phải lúc tiễn đưa nhau về nơi phương khác... “Người còn khóc kẻ mất, ôm lòng thương xót, tống táng đưa nhau, thẳng đến sơn cùng, chắp tay vĩnh biệt, nhất từ vạn kiếp, đau đớn biết bao!”

Rõ ràng những việc như vậy khổ sầu vô lượng. Tuy nhiên, do chúng ta mắt nhìn hạn hẹp, không biết nhìn thấy được những sự thật dài xa, chỉ bám chấp vào những điều vui tạm bợ hàng ngày, mà cho rằng ‘đời sống vui’.
Trong lúc đó, ngược lại, những ai biết nhìn ra sự thật này, biết buông bỏ những tham cầu đời sống thường nhật để hướng tâm về tu tập, để mong thoát khỏi sinh tử luân hồi, thì nhiều người nhìn vào lại cho là ‘tội nghiệp’. Vì thấy sao mà họ khổ quá!

Sự chết chia ly thật ra không đáng sợ như mọi người từng nghĩ, nếu biết quay vào bên trong, tìm hiểu ngọn nguồn chúng ta sẽ biết được sự chết chỉ là một chuyển biến từ thể này sang thể khác tốt đẹp hơn mà thôi, vì vậy thay gì cứ chìm đắm trong lo toan, các bạn hãy tận hưởng cuộc sống này từ những rung động nhỏ nhất, hãy dành tình yêu thương đến vạn vật để cuộc sống này của bạn không chỉ là tồn tại mà lan tỏa được tình yêu thương đến vạn vật. "cho đi để nhận lại"...

Trích từ Chương Hai – Lương Hoàng Sám: DỨT NGHI NGỜ.
Người soạn: HT. Chí Công. Bản dịch của HT. Thích Viên Giác.
Hiệu chính: HT. Thích Trí Tịnh.

  • Thứ bảy 14/08/2021
  • 1653
Tra cứu