Học cách chấp nhận chính mình

Nếu chúng ta chấp nhận được mình, chúng ta biết mình là ai thì chúng ta cũng chấp nhận được người khác và biết được người khác là ai. Nếu chúng ta không chấp nhận được chính mình thì chúng ta cũng không chấp nhận được người khác.

Học cách chấp nhận chính mình

Có những người trong chúng ta không chấp nhận được bản thân, chúng ta có mặc cảm mình thua người và giận bản thân của mình. Đã không chấp nhận được mình thì làm sao mình có thể chấp nhận được người khác?

Không chấp nhận nhau thì sống với nhau không có hạnh phúc. Hạnh phúc trong đoàn thể được dựa trên sự thực tập chấp nhận.

Mình phải bắt đầu:

"Tôi chấp nhận tôi, tôi là một dòng tiếp nối, vì tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi như vậy nên bây giờ tôi chấp nhận như vậy. Trong tôi có những tài năng và những yếu kém, tôi chấp nhận những tài năng và những yếu kém đó trong tôi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi bất lực, bằng sự tu tập tôi có thể phát triển những tài năng và chuyển hóa bớt từ từ những yếu kém trong tôi".

Hai công việc đi đôi với nhau, một bên là chấp nhận gia tài để lại, chấp nhận dòng liên tục và một bên là có ước mơ làm cho hay hơn, chấp nhận và ước mơ đi đôi với nhau.

Có tuệ giác đó thì mình sẽ không đau khổ khi người ta chê mình, tại vì nhìn vào mình mình thấy trong mình có những tích cực và những tiêu cực, có tài năng và yếu kém. Những tài năng hay yếu kém đó không hẳn là của một cái ngã riêng mà là do sự trao truyền. Mình phải chấp nhận tất cả và sự chấp nhận đem lại cho mình bình an. Mình chấp nhận rằng mình có những đức hạnh, những tài năng và những yếu kém.

Nếu có một người khen mình:

"Anh giỏi quá đi!"

Mình phải biết phản ứng như thế nào cho đúng. Mình có thể nói:

"Bạn nói đúng một phần nào đó, tại vì trong tôi có những tích cực thật. Nhưng bạn cũng nên biết rằng trong tôi cũng có những yếu kém, thành ra câu khen ngợi của bạn chỉ đúng một phần thôi".

Mình thoát ra khỏi cái mặc cảm hơn người. Khi được một người khen thì mình phải nói thầm trong bụng:

"Tôi có một vài cái tích cực như vậy. Nhưng tôi biết trong tôi có rất nhiều tiêu cực."

Mình không nói ra nhưng mình nghĩ như vậy, mình giữ được sự khiêm nhường, mình không làm hư mình.

Ví dụ có người tới chê mình:

"Anh là đồ vô tích sự, anh là người có quá nhiều yếu kém!"

Mình đáp lại:

"Anh chỉ nói đúng một phần nào đó thôi. Tôi cũng có những đức tính rất tốt, tôi cũng có những tài năng!".

Mình có thể đáp lại bằng lời nói hoặc bằng sự im lặng nhưng phải có câu:

Anh chỉ nói đúng một phần nào đó thôi” (You are only partly right)

Mình có thể nói ra lời, nhưng nếu không nói ra thì chắc chắn mình cũng phải nói trong lòng mình. Khi một người tới khen mình, mình phải nhớ đọc câu đó:

"Anh quá khen, nhưng anh chưa thấy những yếu kém của tôi, anh chỉ thấy được một phần sự thật."

Chấp nhận được mình rồi thì mình có bình an và mình có khả năng chấp nhận được người kia. Mình không đòi hỏi người kia nữa, mình chấp nhận người đó như vậy thôi. Mình có sự mong ước người đó qua sự tu tập có thể phát triển cái hay, cái đẹp và làm giảm bớt cái không hay, không đẹp nơi người đó. Nhưng mong ước này không phải là áp lực hay sự phê phán.

Mình đối xử với mình như vậy, mình thấy trong mình có cái tích cực và cái tiêu cực, mình chấp nhận hết cả hai và mình có sự Bình an. Nhưng không ai ngăn cấm mình có ước mơ.

(Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 15.01.2012 trong khoá An cư Kiết Đông)

  • Thứ hai 23/08/2021
  • 1746
Tra cứu